0

Dấu hiệu nhận biết ám ảnh sợ chuyên biệt | Safe and Sound

Ám ảnh sợ chuyên biệt là dạng rối loạn được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi mãnh liệt, dai dẳng và phi lý về các hoàn cảnh, tình huống hoặc đối tượng cụ thể. Hiện nay, cơ chế hình thành của chứng bệnh này chưa được hiểu biết cặn kẽ. Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Ám ảnh sợ chuyên biệt là gì?

Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, ám ảnh sợ chuyên biệt là hiện tượng mà bản thân các sự vật, tình huống tự nó không gây ra sợ hãi, nhưng bệnh nhân tin rằng sợ hãi là kết quả từ sự tiếp xúc với các sự vật, tình huống và hoạt động đó. Ví dụ: bệnh nhân sợ răng là do sợ bị rắn cắn, bệnh nhân sợ chỗ tối vì sợ bị bắt cóc, bệnh nhân sợ lái xe vì sợ tai nạn,... Các sợ hãi này là quá mức, không có lý do và kéo dài. Hầu hết bệnh nhân đều hiểu rằng không có gì đáng sợ nhưng hiểu biết đó không ngăn chặn được sợ hãi. 

Ám ảnh sợ chuyên biệt đề cập đến một nỗi lo sợ quá mức của một đối tượng, hoàn cảnh, hoặc tình huống cụ thể. Ám ảnh sợ chuyên biệt là rất mạnh mẽ, bền vững. Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý khẳng định, việc chẩn đoán ám ảnh sợ chuyên biệt đòi hỏi phải có sự lo âu căng thẳng cường độ mạnh, thậm chí đến mức hoảng sợ kịch phát, xuất hiện khi tiếp xúc với các đối tượng sợ. Người có ám ảnh sợ chuyên biệt có thể lường trước được tác hại (chẳng hạn như khi bị chó cắn) hoặc có thể hoảng sợ khi nghĩ đến việc mất kiểm soát (ví dụ: nếu họ sợ thang máy, họ sợ rằng mình sẽ bị ngất khi đi thang máy,...).

Ước tính có khoảng 3-5% dân số thế giới mắc phải các vấn đề về rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Tuy chưa được thống kê chính thức nhưng rối loạn này cũng rất phổ biến ở nước ta. 

2. Triệu chứng ám ảnh sợ chuyên biệt

Ám ảnh sợ chuyên biệt là sợ một sự vật, tình huống hoặc hoạt động nhất định. Hội chứng gồm có 3 phần:

  • Lo âu trước đó có thể tăng lên khi có kích thích ám ảnh
  • Triệu chứng trung tâm là sự sợ hãi
  • Hành vi xa lánh để giảm thiểu tối đa lo lắng

Ảnh 1: Người bệnh có nỗi sợ hãi mãnh liệt với sự vật, tình huống hoặc hoạt động nhất định

Ám ảnh sợ chuyên biệt được chia ra: sợ môi trường tự nhiên (sợ sệt), sợ động vật (côn trùng), sợ chảy máu, sợ tình huống (trong xe ô tô, trong thang máy, trên cầu) và các loại sợ khác (nôn mửa).

Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, ám ảnh sợ chuyên biệt được đặc trưng bởi sự lo lắng nghiêm trọng khi bệnh nhân được tiếp xúc với các tình huống hoặc đối tượng biệt định. Bệnh nhân thậm chí còn xuất hiện lo âu khi dự đoán sẽ tiếp xúc với các tình huống hoặc các đối tượng đó. Tiếp xúc với các kích thích ám ảnh sợ dẫn đến kết quả gần như không thay đổi là bệnh nhân xuất hiện lo âu cường độ mạnh hoặc cơn tấn công hoảng sợ.

Các bác sĩ tâm thần khuyến cáo, người bị ám ảnh sợ chuyên biệt sẽ cần phải được tránh các kích thích gây ra lo âu cho họ. Vì vậy, một số bệnh nhân sẽ gặp phải các rắc rối lớn để tránh những tình huống gây lo âu. Ví dụ: một bệnh nhân với nỗi ám ảnh sợ thang máy sẽ phải đi cầu thang bộ lên tầng 18 để đến văn phòng làm việc. 

Để làm giảm sự căng thẳng của các kích thích gây sợ, nhiều bệnh nhân đã sử dụng các chất, đặc biệt là rượu. Hơn nữa, khoảng ⅓ số bệnh nhân bị ám ảnh sợ biệt định có trầm cảm.

3. Tiêu chuẩn chẩn đoán ám ảnh sợ chuyên biệt

  • Sợ hãi hoặc lo âu về một đối tượng hoặc tình huống đặc biệt (ví dụ: đi máy bay, sợ độ cao, sợ động vật,...).
  • Các đối tượng hoặc tình huống gây ám ảnh sợ hầu hết luôn kích thích gây sợ hãi và lo âu ngay lập tức. 
  • Các đối tượng hoặc tình huống gây ám ảnh sợ gây ra né tránh hoặc chịu đựng với sự sợ hãi hoặc lo âu mạnh mẽ.
  • Sợ hãi và lo âu không tương xứng với sự nguy hiểm thực sự của đối tượng hoặc tình huống gây ra ám ảnh sợ và bối cảnh văn hoá xã hội.

Ảnh 2: Sự sợ hãi, lo âu của bệnh nhân kéo dài ít nhất 6 tháng

  • Sự sợ hãi, lo âu, né tránh dai dẳng kéo dài ít nhất 6 tháng.
  • Sự sợ hãi, lo âu, né tránh dai dẳng gây đau khổ hoặc suy giảm rõ rệt chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
  • Rối loạn không thể giải thích tốt hơn do rối loạn tâm thần khác, bao gồm: các triệu chứng sợ hãi, lo âu, né tránh các tình huống liên quan đến các triệu chứng giống rối loạn hoảng sợ hoặc các triệu chứng mất khả năng (như trong ám ảnh sợ khoảng trống); đối tượng và tình huống liên quan đến ám ảnh (như trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế); nhắc lại tình huống sang chấn (như trong rối loạn stress sau sang chấn); ra khỏi nhà hoặc tách khỏi người thân (như trong rối loạn lo âu bị chia ly); hoặc các tình huống xã hội (như trong rối loạn lo âu xã hội).

Các thể lâm sàng ám ảnh sợ chuyên biệt bao gồm:

  • Sợ động vật.
  • Sợ môi trường tự nhiên.
  • Sợ máu, sợ tiêm, sợ vết thương.
  • Sợ tình huống.

4. Điều trị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

4.1. Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu của bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho thấy, phối hợp sử dụng thuốc cùng với tâm lý trị liệu sẽ mang lại cải thiện tích cực và rõ rệt hơn so với điều trị đơn lẻ. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được dùng để giảm sự căng thẳng, lo âu và một số triệu chứng thực thể do hoảng loạn quá mức. Tuỳ theo độ tuổi và biểu hiện lâm sàng ở từng bệnh nhân, bác sĩ tâm thần có thể chỉ định dùng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc an thần,... Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Do đó, cần chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo với chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần.

4.2. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý có thể chỉ định trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm hoặc kết hợp cả 2 hình thức này. 

Đối với rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt, hai phương pháp hai phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng là liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).

  • Liệu pháp tiếp xúc: Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn gốc của nỗi sợ hãi thông qua tưởng tượng để học cách đối phó với nỗi sợ, sự lo lắng và căng thẳng. Sau đó, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý sẽ tăng dần mức độ bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với thực tế. Dần dần, người bệnh có thể chế ngự nỗi sợ của bản thân và giảm sự sợ hãi khi đối mặt với những đối tượng, tình huống gây ám ảnh.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: CBT là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này giúp bệnh nhân hiểu rõ mọi phiền toái trong cuộc sống đều bắt nguồn từ sự sợ hãi vô lý và thái quá. Từ đó điều chỉnh cách nhìn nhận và học cách chế ngự nỗi sợ. Liệu pháp này tập trung vào việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, từ đó giúp bệnh nhân thay đổi hành vi và suy nghĩ về những đối tượng, tình huống gây sợ hãi. 
: Dấu hiệu nhận biết ám ảnh sợ chuyên biệt | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound